Wabi Sabi – một triết lý thiết kế khác biệt
“Wabi sabi là vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo, vô thường và dở dang” (Leonard Koren). Như bản thân nền văn hóa Nhật Bản vốn luôn khác biêt và huyền bí, wabi sabi, một triết lý quan trọng bậc nhất của đất nước mặt trời mọc hệt như phong thủy đối với người Trung Hoa, đã luôn là một trong những thách thức cuốn hút bậc nhất của nghệ thuật.
Wabi Sabi là gì?
BBC Four – kênh thông tin giải trí tổng hợp của đài BBC Anh Quốc đã từng thực hiện một chương trình mang tên “Truy tìm Wabi Sabi” trong đó có một khảo sát thực tế dành cho người dân Tokyo với đúng một yêu cầu: mô tả về wabi sabi. Và câu trả lời duy nhất mà người Anh nhận được từ người Nhật chỉ là một cái nhún vai cùng lời giải thích rằng wabi sabi đơn giản là vượt qua mọi lý giải thông thường của ngôn ngữ. Vậy khi câu hỏi đó được dành cho một nhà nghiên cứu phương Tây thì câu trả lời sẽ là gì. Trong tác phẩm “Wabi sabi dành cho nghệ sĩ, nhà thiết kế, thi sĩ và triết gia”, Leonard Koren đã đưa ra một lý giải cho đến nay vẫn được trích dẫn nhiều nhất như sau: “Wabi Sabi là vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo, vô thường và dở dang”.
Đi tìm vẻ đẹp trong sự bất toàn
Wabi và Sabi là hai thuật ngữ có thể được sử dụng riêng biệt trong tiếng Nhật. Về mặt ngữ nghĩa rất khó để dịch đầy đủ và trọn vẹn, nhưng hiểu một cách đơn giản thì wabi chỉ sự đơn sơ bình dị, hài hòa với thiên nhiên. Bắt nguồn từ khái niệm về sự thiếu thốn, tách biệt khỏi những xa hoa vật chất như một cách sống đi tìm sự giàu có cho tâm hồn, wabi là cảm giác yên bình tĩnh lặng với những gì giản dị nhất. Sabi nếu dịch nôm na là sự bừng nở của thời gian. Xuất phát từ nghĩa gốc là rỉ sét, trải qua hàng thế kỷ kết tinh từ những nghiền ngẫm của người Nhật về chu trình phai tàn của vạn vật trong tự nhiên, ngày nay Sabi trở thành ám chỉ cho vẻ đẹp khuất lấp từ sức nặng của thời gian: đơn côi trong lớp bụi mờ nhưng ẩn sau đó là phẩm giá và khí chất thanh nhã.
Kết hợp lại với nhau, Wabi Sabi là đại diện cho mọi vẻ đẹp thuần khiết đúc rút từ ba sự thật hiển nhiên của tự nhiên: không gì vĩnh hằng, bất biến; không gì trọn vẹn và không có gì hoàn hảo (theo Richard Powell).
Vườn thiền của ngôi đền Ryoan-ji, Kyoto, Nhật Bản có thể coi là biểu hiện cụ thể nhất cho mỹ quan wabi – sabi, với bức tường bằng đất sét ngả màu nâu vàng đại diện cho wabi, cùng với đó là những phiến đá phủ đầy rêu tượng trưng cho sabi
Bắt đầu nhen nhóm từ khoảng thế kỷ XII – XIV, Wabi sabi ban đầu là kết quả của sự xâm nhập Đạo giáo và đặc biệt là Thiền Phật vào cách sống và cảm nhận về cái đẹp của người Nhật. Mãi đến thế kỷ XVI sự phát triển rực rỡ của trà đạo Nhật Bản với một huyền thoại mang tên Sen no Rikyu (1522 – 1591) (người đầu tiên sử dụng chiếc ấm bình dân cùng với những cái chén đã sứt thay vì những thiết kế tinh xảo đắt tiền từ Trung Quốc để tiến hành nghi thức trà đạo), triết lý wabi sabi mới thực sự hoàn thiện để bước lên vị trí độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ của xứ Phù Tang.
Trong văn hóa Nhật Bản, Wabi Sabi cũng quan trọng không kém gì phong thủy của người Trung Hoa. Không chỉ là linh hồn của nghệ thuật trà đạo Nhật, wabi – sabi còn là hệ quy chiếu thẩm mỹ cho mọi lĩnh vực khác từ kiến trúc, thơ (đại diện tiêu biểu là dòng thơ Haiku), hội họa, cho đến kịch. Nói theo cách của Leonard Koren thì “wabi sabi là đặc tính riêng biệt nổi bật nhất của vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản, nó chiếm một vị trí thiêng liêng trong đền thờ của những giá trị thẩm mỹ hệt như vai trò của triết lý hoàn mỹ Hy Lạp đối với văn hóa phương Tây”.
Biểu hiện của thiết kế theo nguyên lý wabi sabi
Wabi sabi ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới của đất nước Mặt trời mọc trở thành một triết lý thiết kế độc đáo đầy thách thức bất kể đó là kiến trúc, hội họa hay thời trang. Biểu hiện của một thiết kế mang dấu ấn wabi sabi có thể được phân tích ở một số khía cạnh tương đối như sau:
- Chất liệu
Thay vì sử dụng các vật liệu nhân tạo, chất liệu chính cho thiết kế mang phong cách wabi sabi là chất liệu hữu cơ đến từ tự nhiên, gần như loại bỏ các công đoạn gia công làm sạch, đánh bóng. Các chất liệu phổ biến bao gồm: gỗ mộc, kim loại thô, thổ cẩm, đá, đất sét – những chất liệu chuyển tải trọn vẹn và ấn tượng nhất dấu ấn thoái hóa bởi thời gian.
Với gỗ mộc gia công thô sơ và bức khảm bằng sỏi căn hộ thể hiện rõ âm hưởng wabi sabi bình dị nhưng không hề kém vẻ sang trọng.
2. Kiểu dáng
Thay vì cố ý thay đổi hoàn toàn hình dáng của chất liệu theo khuôn mẫu có sẵn để thuận tiện cho sinh hoạt, wabi sabi khuyến khích nhà thiết kế giữ nguyên, hoặc có chỉnh sửa thì cũng thay đổi hết sức tiết chế, tôn trọng dáng vẻ tự nhiên, thậm chí có thể là bất thường của những thiết kế từ tạo hóa. Kiểu dáng nguyên thủy tự nhiên của sản phẩm có thể chính là đặc tính nổi bật nhất, ấn tượng đầu tiên với khách hàng. Trong quan điểm của wabi sabi, tác phẩm nghệ thuật trên hết chỉ có thể là chính nó chứ không phải để cố tình trở thành biểu tượng cho bất cứ cái gì khác.
- Kết cấu
Đồng điệu với chất liệu thô sơ, kết cấu của các thiết kế phong cách wabi sabi thường được giữ nguyên bề mặt xù xì thô ráp; không can thiệp vào màu sắc, giữ đúng sắc độ không đồng đều và ngẫu hứng của tự nhiên cũng là một tiêu chuẩn rất riêng của wabi sabi.
Bề mặt thô ráp mang lại cho chiếc ghế mộc mạc này một ấn tượng không thể trộn lẫn
- Màu sắc
Giữ trọn những gì nhẹ nhàng và tự nhiên nhất, màu sắc không phải là yếu tố lên tiếng trong các thiết kế wabi sabi. Ánh sáng không được phản chiếu rực rỡ mà trái lại được khuếch tán hoặc chìm hẳn. Màu sắc chân thực từ thế giới tự nhiên có thể thiếu hẳn tính thống nhất và sự tương phản cần có để bổ trợ nhau tạo nên sự nổi bật, nhưng chính vì mất hẳn đi tính cầu kỳ mà màu sắc với độ sáng tự nhiên đem lại một cảm giác yên bình, thanh thản cho tâm trí.
- Sự đơn giản
Sự đơn giản đến từ chất liệu hữu cơ tuyệt đối. Sự đơn giản từ cách thức sáng tạo không cầu kỳ, không kiểu cách. Đó là sự đơn giản độc đáo của wabi sabi không nhàm tẻ, đơn điệu mà hết sức tinh tế, bởi tận cùng đằng sau sự đơn giản ấy là vẻ đẹp của sự chân thật
- Không gian
Nói đến không gian trong wabi sabi là nói đến tỷ lệ và góc nhìn. Không hề có một khoảng không vô nghĩa bất kể đó là khoảng trống bao quanh sự vật. Tỷ lệ trong không gian của vật thể là thước đo của không gian, nhưng chính khoảng trống lại truyển tải bản chất của vũ trụ. Đó là lý do những khoảng trống rộng và thoáng đóng một vai trò quan trọng trong kiến trúc của wabi sabi.
- Sự cân bằng
Thiết kế wabi sabi phải tái hiện được sự cân bằng hữu cơ của thế giới tự nhiên. Không một công thức nào có thể ước đoán cho hệ thống của tự nhiên bởi vạn vật đều chỉ tìm thấy mình trong một môi trường nhất định: một cái cây sẽ sinh trưởng cao hay thấp, thân to hay nhỏ, nhiều hay ít lá đều phụ thuộc vào điều kiện của những cây xung quanh, đá, nước, đất,… Sự cân bằng, hài hòa với môi trường ấy là một nguyên lý thiết kế cho mọi nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo. Cũng giống như cái cây, các thiết kế là một thực thể riêng biệt. Dù vậy, mọi quy luật, công thức, hay chỉ dẫn được tạo ra bởi nhà thiết kế chỉ được xếp thứ hai sau đòi hỏi của sự phản ánh chính xác sự cân bằng tự nhiên của một vật với môi trường của nó.
- Sự tiết chế
Sự tiết chế là một nguyên tắc đơn giản và cần thiết. Đôi khi nguyên tắc này được trình bày thông qua những gì bị bỏ mất khỏi tác phẩm hơn là những gì được đặt vào và thể hiện trong nó. Sự tiết chế đem lại một cảm giác chân thật về trải nghiệm của quy luật vô thường. Không gì là trường cửu, vĩnh viễn, bất biế
Một số ứng dụng trong thiết kế hiện đại
Có lẽ ứng dụng trong kiến trúc và thiết kế nội thất của triết lý wabi sabi là nổi bật và dễ dàng nhận ra hơn cả. Wabi sabi thường được kết hợp với các phong cách khác như Scandinavian (Bắc Âu), Rustic (Đồng quê), Zen (Thiền), Minimalism (Tối giản).
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.